Bác sĩ Maria Montessori- Nhà cải cách giáo dục vĩ đại

Mùa Thu năm 1870, tại thị trấn Chiaravalle, tỉnh Ancona, Maria Montessori chào đời trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của nước Ý. Cha Bà, ông Alessandro là một viên chức nhà nước, và mẹ Bà, là một phụ nữ nhân từ, có học thức và đam mê đọc sách, bà Renilde Stoppani

 

Mùa Thu năm 1870, tại thị trấn Chiaravalle, tỉnh Ancona, Maria Montessori chào đời trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của nước Ý. Cha Bà, ông Alessandro là một viên chức nhà nước, và mẹ Bà, là một phụ nữ nhân từ, có học thức và đam mê đọc sách, bà Renilde Stoppani[1].

Khi Montessori 5 tuổi, gia đình Bà đã chuyển đến Rome và bà được theo học tại một trường công của thành phố. Năm 16 tuổi, Bà theo học một trường kỹ thuật để sau này học thành kỹ sư, một ngành học thường chỉ dành cho nam giới, và Bà là một trong hai nữ sinh của ngôi trường này ngày ấy.

Năm 1892, Bà quyết định theo học ngành Y để trở thành bác sĩ, bất chấp tục lệ khắt khe rằng phụ nữ có bộ não bé hơn đàn ông nên chỉ nên học làm vợ và nuôi con, và trường Y, trường Luật, thuở đó, chỉ dành cho đàn ông: “Để một phụ nữ trở thành bác sĩ còn tệ hơn việc bị sỉ nhục”. Cha bà cũng phản đối sự lựa chọn này của Bà, vì ông cũng là đàn ông Ý. Đây là những cản lực không hề nhỏ vào thuở ấy, nhưng người con gái tuổi đôi mươi trẻ trung Maria Montessori vẫn kiên cường vượt qua và ngẩng cao đầu để bước vào giảng đường Y khoa, đại học Rome, cho dù Bà chỉ có thể được phép vào giảng đường khi tất cả các nam sinh đồng môn của Bà đã an tọa trên nghế, và dù Bà phải ngồi ở cuối lớp trên “những chiếc ghế bấp bênh”. Các nam sinh đồng môn không chấp nhận việc Bà cùng thực hành giải phẫu tử thi với họ (vì nơi ấy bấy lâu chỉ dành cho đàn ông), thì nữ sinh Montessori tự học thực hành sau giờ tan lớp một mình ở nhà xác. Sự ghẻ lạnh, chế nhạo của các nam sinh chỉ làm Bà thêm quyết tâm. Nhưng rồi, quá nhiều áp lực, đơn độc và bị thù địch cũng đã khiến Maria Montessori có giấy phút nản lòng, Bà đã toan bỏ cuộc ở trường Y. Vào lúc ấy, hình ảnh tập trung của một đứa trẻ nghèo hướng sự tập trung cao độ của mình vào một mảnh giấy màu đỏ trên đường phố đã khiến Bà suy nghĩ lại, và Bà đã trở lại trường Y với sự quyết tâm và hứng khởi hơn. Để rồi, năm 1896, 26 tuổi, Maria Montessori đi vào lịch sử nước Ý khi Bà tốt nghiệp đại học Rome với “tư cách nữ bác sĩ đầu tiên” của nước Ý. Sự xuất sắc của Bà nổi tiếng khắp nước Ý như một sự báo hiệu rằng, sự đấu tranh đầu tiên của Montessori cho nữ quyền đã thành tựu và Bà sẽ còn tiếp tục tranh đấu về điều đó. Những năm sau đó, Bà đã dành tâm huyết cho việc tiên phong đấu tranh vì “quyền lợi của phụ nữ”.

Năm 1897, Maria Montessori “quay về làm việc trong viện tâm thần của đại học Rome, với công việc thăm viếng bệnh nhân trong viện tâm thần”.  Ở đó, Bà đã gặp “những trẻ mắc chứng khó học nghiêm trọng. Những trẻ bị coi là đần độn”. Kinh hãi trước cuộc sống khốn khổ của những đứa trẻ ấy, với lòng trắc ẩn và tầm nhìn vượt thời đại, Maria Montessori thấy rằng: “những sinh vật khốn khổ này cần được tái hòa nhập với xã hội”. Bà tin rằng những đứa trẻ bất hạnh ấy có tiềm năng và cần được giải phóng những tiềm năng ấy để giúp họ chạm được phẩm chất của con người

Vào thời gian ấy, Bà trở thành đồng giám đốc sáng lập một ngôi trường mới, “ngôi trường đặc biệt nghiên cứu phương thức giáo dục dành cho người bị khiếm tật” mang tên Orthophrenic. Người đồng cấp với Bà ở ngôi trường đặc biệt ấy là bác sĩ Giusseppe Montesano- người về sau đã mang đến cuộc đời Montessori nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong công việc, hai bác sĩ trẻ đã cùng nhau tìm cách thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ bị coi là “đần độn” và đang sống cuộc đời bất hạnh ở viện tâm thần. Về đời sống riêng tư, họ đã có một cuộc tình lãng mạn. Nhưng để Montessori có thể tiếp tục nghề nghiệp mà Bà yêu thích, hai người đã không kết hôn. Sau đó, Montessori đã sinh hạ một bé trai và Bà đã không thể giữ được con trai ở bên mình do luật tục hà khắc và lạc hậu hồi đó.

Để phục vụ cho việc giúp đỡ bọn trẻ, Bà đã đọc rất nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục và giáo dục đặc biệt của các tác giả nổi tiếng trong vòng 200 năm trước đó. Trong đó có những tác giả là nhà tư tưởng lớn của thời đại như J.J Rousseau. Ý niệm về “người thầy nội tại” - viên ngọc quý trong học thuyết giáo dục nhân bản của Montessori chịu ảnh hưởng từ J.J Rousseau.

Biến cố đã xảy ra, khi ông Montesano kết hôn với người phụ nữ khác đã làm tổn thương sâu sắc đến Maria Montessori, khiến Bà từ bỏ ngôi trường Orthophrenic nơi họ đã làm việc cùng nhau và từ bỏ công việc ở Viện tâm thần, để quay lại trường học và chuyên tâm cho giáo dục. Bà theo học về nhân chủng học và tâm lý học, để rồi sau đó, Bà trở thành nữ giáo sư Nhân chủng học của đại học Rome danh giá.

Bà vẫn tiếp tục dành thời gian và tâm huyết cho Trẻ thơ “với quyết tâm giải phóng trẻ khỏi những bất công xã hội” thông qua một phương pháp và cách tiếp cận hoàn toàn mới. Và cơ duyên với Trẻ thơ đã đến với Montessori vào năm 1906. Lần bén duyên với Trẻ thơ này đã theo Bà cho đến hết cuộc đời: tại khu ổ chuột San Lorenzo, Montessori Bà có cơ hội thử nghiệm những nghiên cứu và tâm huyết của mình khi đảm nhiệm dự án chăm lo cho những đứa trẻ thất học ở khu ổ chuột ấy. Casa dei Bambini- Ngôi nhà trẻ thơ đầu tiên trên thế giới đã ra đời ở khu nhà nghèo nàn này vào năm 1907.

Tại ngôi nhà trẻ thơ, Montessori có cơ hội áp dụng những nghiên cứu và trải nghiệm mà Bà đã thu được khi còn làm việc với trẻ khiếm tật về trí não ở Viện tâm thần nhưng đã được cải tiến qua những nghiên cứu mới của Bà. Là một bác sĩ, Montessori đã sử dụng phương pháp quan sát khoa học để quan sát những đứa trẻ ở Ngôi nhà trẻ thơ. Sự quan sát đã giúp Bà nhận ra “trẻ tìm kiếm kiến thức một cách tự phát. Trẻ khám phá và sáng tạo”. Và “nếu được trao cơ hội, trẻ sẽ tập trung vào công việc chứ không lười biếng”. “Trẻ thơ là người lao động vĩ đại… Đứa trẻ quan trọng, không phải vì nó cần tình thương của chúng ta, không phải vì nó cần sự che chở của chúng ta, không phải nó là một kẻ hành khất nghèo nàn, nhưng bởi vì nó là kẻ sáng tạo ra con người. Đứa trẻ quan trọng do các năng lực của nó, dù bí ẩn, vẫn có thể hiểu được. Chúng ta phải hiểu các nhu cầu của đứa trẻ nhằm để có thể hỗ trợ cho nó”[2]. Bà đã nỗ lực tạo ra môi trường giáo dục mới cho bọn trẻ ở ngôi nhà trẻ thơ, một môi trường giáo dục hoàn toàn khác biệt với giáo dục chính thống ở Ý và châu Âu thuở đó. Bà nhận ra rằng, đứa trẻ cho dù còn nhỏ luôn có lòng tự trọng, điều mà không một người lớn nào thuở ấy có suy nghĩ như Bà. Với sự thấu hiểu trẻ thơ, Bà đã tạo ra sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng trong giáo dục tại Ngôi nhà trẻ thơ đầu tiên này. Sự thay đổi của những đứa trẻ nơi ấy trong khoảng thời gian ngắn chưa đến ba năm thực sự là một thành công vang dội, không chỉ ở Ý mà ra bên ngoài biên giới nước Ý. Sự thành công này đã khiến giới hàn lâm và giáo dục trên khắp thế giới thuở ấy bàn luận và quan tâm đến Montessori và học thuyết giáo dục của Bà.

Với tất cả sự khiêm tốn của mình, Maria Montessori chưa bao giờ lấy tên của Bà đặt tên cho đường lối giáo dục mà Bà khởi xướng. Theo sự bộc bạch của Bà thì, năm 1909, Bà viết cuốn sách mô tả đường lối giáo dục của Bà bằng tiếng Ý, được dịch ra tiếng Anh là: “A Scientific Method of Pedagogy as Applied to Child Education in the Children's House”. Khi cuốn sách được dịch ra tiếng Anh vào năm 1912, các nhà xuất bản đã bảo: “Trời ơi, cái tựa sao mà khủng khiếp quá. Chúng ta hãy làm cho nó đơn giản hơn. Hãy gọi nó là “Phương pháp Montessori” đi nhé. Từ đó, tất cả các phiên bản tiếng Anh đều dùng cái tựa đó.”[3] Và tên gọi Phương pháp Montessori được ra đời thú vị như thế.

Sự thành công vang dội ở Ngôi nhà trẻ thơ đã khiến Montessori từ đây có cơ hội thuyết giảng về học thuyết của Bà khắp nơi trên thế giới và Bà cũng có thêm cơ hội quan sát trẻ em trên khắp năm Châu. Từ đó, Bà trở thành công dân của thế giới, là Nhà giáo dục vĩ đại của Nhân loại. Bà lao động miệt mài, sôi nổi và viết nhiều tác phẩm trứ danh hầu thực hiện cuộc cách mạng giải phóng Trẻ thơ trên toàn thế giới. Bà đã tận hiến cuộc đời mình cho Trẻ thơ, và cũng là cho tương lai của Nhân loại. Như ngọn lửa Promete bất diệt, tư tưởng giáo dục nhân bản của Bà cứ tâm truyền tâm mà lan tỏa khắp thế giới, đã hơn một trăm năm kể từ ngày ra đời Ngôi nhà trẻ thơ đầu tiên.

Cả cuộc đời vì Trẻ thơ trên phạm vi toàn thế giới, cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, Bà càng tin tưởng và tôn kính Trẻ thơ[4]. Bà bộc bạch chân thật rằng: “Chúng tôi chắc chắn rằng trẻ thơ có thể làm được nhiều điều cho chúng ta hơn chúng ta làm cho nó. Người lớn chúng ta đã xơ cứng. Chúng ta ở yên một chỗ. Nhưng đứa trẻ hoàn toàn là chuyển động. Nó chạy đến chỗ này, chỗ kia để nâng chúng ta lên khỏi mặt đất. Có một lần tôi đã có lên cảm tưởng này một cách mãnh liệt, sâu sắc hơn bao giờ hết, và tôi hầu như đã làm một lời khẩn nguyện rằng mình sẽ trở thành một môn đệ của trẻ thơ, kẻ là bậc thầy của tôi. Thế là tôi thấy trước mặt hình ảnh của đứa trẻ, như những người bây giờ gần gủi với tôi đã thấy nó và hiểu được nó. Chúng tôi không nhìn thấy nó giống như hầu hết mọi người đã nhìn thấy, là một sinh vật nhỏ bé nằm bất lực với đôi tay khoanh lại và thân thể nằm dài trong sự yếu đuối của nó. Chúng tôi thấy hình ảnh của đứa trẻ đang đứng trước chúng ta với đôi tay rộng mở, ra dấu mời gọi nhân loại đi theo nó”[5]

________

Phạm Xuân Hoàng

Đồng sáng lập Khai Tâm Children’s House

 

[1] Phần lớn các thông tin trong bài luận này được rút ra từ bộ phim “BBC Documentary on Maria Montessori”, phần trích dẫn trong ngoặc kép mà không dẫn nguồn là lời nguyên văn từ bộ phim này.

[2] Maria Montessori, Montessori giảng tại London, 1946, bản dịch Việt ngữ của Nghiêm Phương Mai, ấn bản đặc biệt chào mừng kỷ niệm sinh nhật Montessori lần thứ 150, Nhà xuất bản Nhân Ảnh (USA), 2020, tr.53- 54.

[3] Maria Montessori, Montessori giảng tại London, 1946, sđd, tr.36

[4] Maria Montessori, Trẻ thơ trong gia đình, bản dịch Việt ngữ của Trịnh Xuân Tuyết và Nghiêm Phương Mai, Nhà xuất bản Tri thức, 2013, tr.33.

[5] Maria Montessori, Giáo dục và Hòa bình, bản dịch Việt ngữ của Nghiêm Phương Mai, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2018, tr.273- 274.

Đăng ký tư vấn & tham quan

Để có thể đạt sự thấu hiểu giữa gia đình và nhà trường, thấu hiểu đặc điểm của trẻ và cảm nhận môi trường học tập thực tế, quý phụ huynh có thể chủ động trao đổi trực tiếp & tham quan cùng các chuyên gia tại Khai Tâm trước khi quyết định việc tham gia học tập của trẻ tại trường. Khai Tâm rất chào đón sự quan tâm, chia sẻ từ tất cả quý phụ huynh.

Hệ thống trường

NHÓM MẦM NON HÒA BÌNH - TRƯỜNG THỌ

Nhóm lớp mầm non Hòa Bình ở phường Trường Thọ, Thủ Đức được xây dựng và đi vào hoạt động trong khoảng 4 năm gần đây. Trường tọa lạc tại đường số 3, nằm cạnh bên ngồi trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh. Khuôn viên trường rộng lớn, là một ngôi nhà cực kỳ lý tưởng cho môi sinh hoạt từ hoạt động trong lớp cho đến vui chơi khắp sân trường.

TRƯỜNG MẦM NON KHAI TÂM - TAM PHÚ

Trường mầm non Khai Tâm ở phường Tam Phú, Thủ Đức tọa lạc tại đường Cây Keo, nơi có khuôn viên mát mẻ, nhiều cây xanh và xung quanh là đời sống nhộn nhịp của của cư dân các chung cư lân cận.

Nếu bạn muốn kết hợp việc tư vấn về chương trình học tập cùng với tham quan cơ sở đã chọn, thì có thể chọn ngày giờ mong muốn theo mẫu dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ để sắp xếp thời gian thuận tiện